TIÊU CHUẨN VTOS KỸ THUẬT LÀM BÁNH ÂU
TIÊU CHUẨN VTOS KỸ THUẬT LÀM BÁNH ÂU
Tài liệu Tiêu chuẩn VTOS kỹ thuật làm bánh âu được xây dựng trong khuôn khổ triển khai Dự án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam” do EU tài trợ. Tài liệu được chuyên gia quốc tế dự thảo, lấy ý kiến đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau, hoàn thiện và được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch Việt Nam (VTCB) phê duyệt.
Các tiêu chuẩn VTOS được thiết kế trên cơ sở phân tích và vạch ra những công việc mà người lao động cần thực hiện để hoàn thành yêu cầu đối với từng vị trí cụ thể. Bảng kỹ năng nghề trình bày các công việc kỹ thuật làm bánh Âu thành 2 phần:
- Phần việc kỹ năng: mô tả những gì người lao động phải làm, giúp họ thực hiện tốt công việc.
- Phần việc kiến thức: đề cập đến kiến thức lí thuyết bổ sung cần thiết để họ thực hiện công việc một cách chính xác.
Mỗi tiêu chuẩn kỹ năng VTOS kỹ thuật làm bánh Âu bao gồm 3 phần chính:
- Phần 1: Giới thiệu chung, chức danh thường dùng và danh mục công việc, đây là phần hình thành nên tiêu chuẩn kỹ thuật làm bánh Âu.
- Phần 2: Kế hoạch chi tiết công việc, phần việc kỹ năng và phần việc kiến thức.
- Phần 3: Nêu một cách chi tiết tiêu chuẩn các kỹ năng nghề được trình bày.
Đối với phần việc kỹ năng: các tiêu chuẩn kỹ năng thực hiện phần việc được thể hiện trong 5 nội dung của bảng như: bước thực hiện, cách làm, tiêu chuẩn, lí do và kiến thức thực hiện kỹ năng làm bánh Âu.
Đối với phần việc kiến thức: sự trình bày có điểm khác đối với phần việc kỹ năng và tập trung vào nội dung, mô tả, giải thích rõ hơn về mặt lí thuyết.
Tài liệu này được đánh giá như cơ sở, kim chỉ nam để người lao động hoàn thành tốt công việc của mình ở trình độ cơ bản để có được những sản phẩm bánh và món tráng miệng Âu xinh xắn, tuyệt vời phục vụ khách du lịch. Do đó, nó thực sự giúp ích cho quá trình tự rèn luyện kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp hiện tại cũng như sau này của sinh viên bằng cách bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành bên cạnh những món ăn, kỹ năng được học thực hành tại trường, trong thực tế. Từ đó, hành trang vào nghề của các bạn sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Chế biến món ăn thêm tự tin và vững vàng đối với công việc thực tế tại môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Kiến thức là vô tận và không bao giờ đủ, vì vậy Lê nin đã có câu nói: “Học, học nữa, học mãi”. Các đầu bếp tương lai của DVTC đừng bỏ qua Tài liệu này cho việc học tập, rèn luyện kỹ năng mọi nơi, mọi lúc để hoàn thiện mình hơn, hành trang nghề nghiệp luôn sẵn sàng cho chặng đường dài phía trước!
Trần Thị Xuân Hương